Wednesday, May 8, 2024
spot_img
HomeTấm gương Họ TrầnAnh hùng lao động - Nghệ nhân Trần Văn Sen, gương sáng...

Anh hùng lao động – Nghệ nhân Trần Văn Sen, gương sáng người con hậu duệ nhà Trần

Nghệ nhân Trần Văn Sen, sinh năm Canh Thìn, tuổi Rồng – Là hậu duệ của nhà Trần, sinh ra và lớn lên ở làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà. Nói đến nghệ nhân Trần Văn Sen, trước hết phải nói đến ông là doanh nhân có Tâm và có Tài được sinh ra ở làng Ứng Mão, một trong những làng nghề dệt vải truyền thống có từ thế kỷ XIII gắn với dựng nghiệp, hưng nghiệp của triều đại nhà Trần; ông am hiểu lịch sử về làng và nghề của làng mình, đặc biệt thấu hiểu những bước thăng, trầm về nghề của làng mình công cụ lạc hậu, lãi suất quá thấp, chất lượng kém.

Đến những năm 60 của thế kỷ XX nghề dệt của làng Phương La đứng trước nguy cơ mất nghề, gần 1/3 dân số làng bỏ đi khai hoang ở Tây Bắc, Tuyên Quang và một số nơi khác. Trong khi chưa khôi phục được nghề dệt vải, ông đã mang nghề dệt chiếu, nghề dệt lưới về cho dân làng, bà con rất mừng và tích cực sản xuất góp phần ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy truyền thống cha ông. Nghệ nhân Trần Văn Sen và Đại gia đình đã dành nhiều tiền của, công sức, tầm sư học đạo, nghiên cứu cải tiến công cụ sản xuất, đầu tư các loại máy dệt từ máy nhập ngoại, cải tiến máy bằng gỗ bán tự động sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao, ông là người có công khôi phục và phát triển nghề truyền thống dệt may, in hoa trên các loại vải, khăn xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, ông đã dày công sưu tầm các mẫu hoa văn trên lụa của các triều đại phong kiến Việt Nam đưa vào các sản phẩm lụa, giữ vững nghề truyền thống, hướng dẫn, phổ biến cho bà con cùng làm, có nhiều người đã đến học tập cách khôi phục nghề dệt của ông không chỉ trong làng, xã, trong tỉnh mà cả các nơi như Hà Tây, Nam Định… chính vì vậy ông đã được Chính phủ hai lần phong tặng Nghệ nhân ngành dệt, Huy chương đôi bàn tay vàng và 3 bằng sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và doanh nhân có Tâm, có Tài. Ông chính là nghệ nhân Trần Văn Sen – Đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình; Là Uỷ viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình. Ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch VCCI và đoàn công tác đến chúc mừng  “lão” Doanh nhân Trần Văn Sen, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Tập đoàn Hương Sen.

Với cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế Hương Sen, tuy đã ngoài 70 tuổi song ông vẫn nặng lòng với công việc, lo toan cho cuộc sống gần 1000 công nhân và giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, già cả neo đơn, gia đình có công với nước.

   Anh hùng Lao động Trần Văn Sen là con người “Khai sơn phá thạch” cho nhiều cách làm mới, mô hình mới chưa đâu dám làm. Ông luôn đổi mới tư duy, trung thực và thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, sống thanh đạm, chan hoà và cởi mở nên được nhiều người kính trọng và quý mến.
  Đ/c Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen
   Để theo kịp cơ chế thị trường, năm 1981 Nghệ nhân Trần Văn Sen thành lập tổ hợp Dệt cao cấp Tân Phương đầu tiên ở tỉnh Thái Bình, sau đó thành Công ty TNHH đầu tiên của tỉnh Thái Bình, có Chi bộ Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Do đi trước đón đầu nên trong quá trình sản xuất, kinh doanh ông đã trải qua nhiều sóng gió. Song những trải nghiệm đó, chặng đường ông đã đi, đã tạo cho Nghệ nhân Trần Văn Sen có thêm bản lĩnh. Ông luôn nhận thức “Thương trường là Chiến trường”. Không thể bằng lòng với gì đã đạt được, mà đòi hỏi luôn phải đổi mới và năng động thì mới tồn tại. Ông đã đi nhiều nơi trong nước và ngoài nước tìm hiểu thị trường, chịu khó học tập, đọc báo, nghe đài để nắm bắt thông tin kịp thời nên đã tạo cho ông có thêm bản lĩnh trong sản xuất – kinh doanh, đưa doanh nghiệp đứng vững và ngày càng phát triển.
   Từ một tổ hợp sản xuất, nay thành Tập đoàn kinh tế Hương Sen, với nhà máy sản xuất bia và nước giải khát sử dụng công nghệ tiến tiến của Đức chuyên sản xuất bia Đại Việt, Rượu Lạc Hồng, bia Beyker, bia Happy của mọi nhà, Trà Bí Đao, nước Chanh leo, nước dâu với chất lượng tốt được nhiều người tin dùng, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng trưởng.
   Các dòng sản phẩm bia Đại Việt có chủng loại, mẫu mã đa dạng gồm bia lon, bia vàng, bia đen, bia tươi, bia chai 450ml, bia chai 330ml; chất lượng không thua kém bất cứ thương hiệu nào trên thị trường, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Thương hiệu bia Đại Việt đã được đăng ký sở hữu trí tuệ ở 38 nước trên thế giới, mạng lưới phân phối sản phẩm có mặt trên khắp 64 tỉnh thành  trong cả nước và đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và hàng chục nước khác. Đặc biệt có loại bia Super nắp giật được đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Sau bia Đại Việt, Công ty cho ra đời thêm gần chục loại đồ uống cao cấp như : Trà bí đao, chanh leo, nước cam, chanh muối, nước dâu, nước táo … được thị trường đón nhận, giá cả hợp lý, dịch vụ bán hàng ưu việt, đi vào lòng người.
Ông Trần Văn Sen – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế Hương Sen
kiểm tra dây chuyền sản xuất bia và nước giải khát.
   Do sản xuất – kinh doanh giỏi, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn Quốc tế, trên 10 năm qua Tập đoàn Hương Sen đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước; 10 năm liền dẫn đầu tỉnh Thái Bình về nộp ngân sách: Năm 2006 nộp 100 tỷ đồng, năm 2010 nộp 350 tỷ đồng, năm 2012 nộp 430 tỷ đồng, năm 2013 nộp 643 tỷ đồng, năm 2014 phấn đấu nộp ngân sách vượt so với cùng kỳ. Đời sống công nhân ngày một nâng cao, thu nhập khá, không chỉ  góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh, làm giàu cho quê hương mà cốt lõi quý giá nhất, Nghệ nhân Trần Văn Sen đã lo và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
          Hơn 20 năm qua với cương vị là Uỷ viên UBMTTQVN tỉnh Thái Bình, Nghệ nhân Trần Văn Sen luôn giành thời gian, tiền của chăm lo giúp đỡ người nghèo. Gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và trong doanh nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Là người có nhiều công lao tham gia thực hiện chương trình “ Xoá nhà ở dột nát cho hộ nghèo” của tỉnh Thái Bình. Bằng những việc làm thiết thực, Tập đoàn và Nghệ nhân Trần Văn Sen đã xây 180 ngôi nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, nhận phụng dưỡng suốt đời nhiều mẹ Việt Nam anh hùng và mẹ liệt sỹ. Tặng gần 200 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, đồng thời còn tặng công cụ sản xuất, trâu bò, tiền giúp đỡ hộ nông dân nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông còn tích cực tham gia xây dựng quỹ Bảo trợ người tần tật, trẻ mồ côi, xây dựng quỹ tài năng trẻ, quỹ khuyến học mỗi năm trên 01 tỷ đồng. Tặng quà thăm hỏi nhân dân miền Trung và đồng bào vùng bị thảm hoạ thiên tai với số tiền trên 12 tỷ đồng. Năm 2014 tặng 500 triệu đồng cho Hội chữ thập đỏ, ủng hộ 20 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Hướng về Biển đảo thân yêu của Tổ quốc, Tập đoàn kinh tế Hương Sen đã trực tiếp ủng hộ 470 triệu đồng tiền mặt và tham gia cùng Hội chữ Thập đỏ Trung ương, MTTQ Việt Nam, tổ chức các sự kiện văn hóa quyên góp ủng hộ đồng bào chiến sỹ đang công tác tại Hoàng Sa, Trường Sa với số tiền trên 21 tỷ đồng.
   Không chỉ dừng lại ở việc làm trên, Nghệ nhân Trần Văn Sen còn tham mưu với Lãnh đạo Công an Tỉnh Thái Bình thành lập “Quỹ Phòng chống tội phạm ma túy”.
   Với công lao xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Nghệ nhân Trần Văn Sen – Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế Hương Sen được tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt năm 2009 được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới, góp phần tô đẹp thêm truyền thống nhà Trần, truyền thống tốt đẹp của huyện nhà, tỉnh nhà. Có được thành công như ngày hôm nay, trước hết có sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các ngành Trung ương và địa phương, giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm, động viên khích lệ của họ hàng, gia đình, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
   Một vinh dự lớn đến với ông, ngày 24/08/2012 Tổng Thư  ký UNESCO thế giới đã ký quyết định số 502/QĐ-LH bổ nhiệm ông Trần Văn Sen – AHLD, Hội viên danh dự Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn kinh tế Hương Sen, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội họ Trần Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm UNESCO văn hoá Hương Sen Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội UNESCO Bảo tồn văn hoá dân tộc Việt Nam. Đặc biệt kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội ông Trần Văn Sen được Ban tổ chức bình chọn là 1 trong 20 anh hùng tiêu biểu nhất của 1000 anh hùng tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh về dự đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội .

Bản lĩnh doanh nhân

Trong suốt quá trình kinh doanh, Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen luôn tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cần – kiệm – liêm – chính – chí công – vô tư, lấy phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân làm động cơ phấn đấu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông chia sẻ: Doanh nhân chân chính phải giữ chữ “đức” và “cái tâm” trong sáng. 

Ngay từ khi bắt tay xây dựng nhà máy bia cao cấp Hương Sen, tôi đã chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất; đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp hiện đại, đồng thời áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen là doanh nghiệp điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, được nhận bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đạt giải thưởng cúp vàng vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam và được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chứng nhận doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng hương Thái Bình tại Hà Nội trao quà lưu niệm cho Nghệ nhân Trần Văn Sen, Chủ tịch Hội họ Trần Việt Nam.

Gắn kinh doanh với thực hiện trách nhiệm xã hội, nhiều năm qua, Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen gương mẫu đi đầu, nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động nhân đạo từ thiện, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ông và Công ty đã nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 mẹ liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm cho 150 gia đình chính sách, tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng giống, vốn, công cụ sản xuất cho hàng chục gia đình, hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 2 tỷ đồng. Ông còn tích cực tham gia xây dựng quỹ bảo trợ người tàn tật – trẻ mồ côi, xây dựng quỹ tài năng trẻ, quỹ khuyến học; thăm, tặng quà nhân dân miền Trung và đồng bào vùng bị thảm họa thiên tai, ủng hộ xây dựng nông thôn mới; xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa… trị giá hàng chục tỷ đồng. Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen cũng đã đề xuất với lãnh đạo Công an tỉnh lập quỹ “Phòng, chống và đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn”; bản thân ông đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho quỹ và trực tiếp đến tặng thưởng các đơn vị công an lập công xuất sắc, phá các chuyên án lớn, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tỉnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. 13 năm liên tục, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen là đơn vị dẫn đầu khối cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, được tặng cờ luân lưu của Bộ Công an, bằng khen của các cấp, các ngành.

Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen, Chủ tich họ Trần Việt Nam  khen thưởng cho các thành viên tích cực trong xây dựng tổ chức họ Trần Việt Nam.

Là hậu duệ đời thứ 41 của dòng họ Trần, cũng hiếm có ai tâm huyết với dòng họ như Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia gây dựng tổ chức họ Trần Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch họ Trần Việt Nam, ông cùng các thành viên trong Ban Chấp hành họ Trần xây dựng tổ chức dòng họ ngày càng lớn mạnh. Ông cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết, lặn lội sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu sưu tầm các tư liệu về lịch sử vương triều Trần, tham dự nhiều hội thảo khoa học làm sâu sắc thêm những giá trị di sản lịch sử, văn hóa thời Trần. Ông và đại gia đình đã phát tâm công đức xây dựng đền thờ tổ họ Trần Việt Nam tại thôn Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà), là nơi giáo dục truyền thống sinh hoạt văn hóa cho bà con họ Trần trong cả nước.

Năm nay Anh hùng Lao động, Nghệ nhân Trần Văn Sen đã 80 tuổi và có hơn 60 năm lăn lộn trên thương trường nhưng dường như với ông vẫn chưa có một ngày ngơi nghỉ. Cuộc đời ông là tấm gương lao động không biết mệt mỏi và không ngừng sáng tạo với tác phong làm việc năng động, quyết đoán, luôn truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Ông sống giản dị, chân thành, tiết kiệm, luôn quan tâm đến việc làm, đời sống người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Hàng ngày, vị Tổng giám đốc ấy vẫn rong ruổi trên từng cây số để gặp gỡ khách hàng, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhắc đến ông, tất cả nhân viên trong Công ty đều bày tỏ sự thán phục, sự kính trọng bởi sức làm việc phi thường, khó ai theo kịp. Đi công tác về có khi đã nửa đêm nhưng khi có việc khẩn cấp ông vẫn triệu tập họp cán bộ chủ chốt phân công nhiệm vụ, việc gì cũng phải làm ngay và luôn. Không chỉ quan tâm đến đời sống của người lao động, ông còn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa trong doanh nghiệp, tất cả mọi người coi nhau như anh em trong gia đình, cùng đoàn kết vì sự phát triển của doanh nghiệp. Bao năm nay, vào ngày lễ, tết, ông đều gửi thư, gửi quà đến thân phụ, thân mẫu của cán bộ, công nhân viên Công ty như một lời tri ân sâu sắc; mong tiếp tục nhận được sự hợp tác gắn bó giữa Công ty và gia đình nhằm động viên cán bộ, công nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen cũng là doanh nghiệp đi đầu trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế cho 100% số lao động đã ký hợp đồng; bảo đảm đầy đủ bảo hộ lao động; quan tâm kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ khác theo quy định.

Không chỉ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nghệ nhân Trần Văn Sen còn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Ông cũng được Liên hiệp các hội Unesco thế giới trao tặng danh hiệu doanh nhân văn hóa tiêu biểu. Hiện nay, ông còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Unesco bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ những người anh hùng của Thái Bình. Ở bất kỳ cương vị nào, ông đều làm việc bằng cái tâm và sự nỗ lực hết mình. Ông chia sẻ: Nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn và cần làm nhiều việc có ích hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.

Chủ hãng bia tư nhân đầu tiên

Sau bao đêm ngày trăn trở, nhiều cuộc khảo sát điều tra, cuối cùng ông quyết định mở thêm hướng đầu tư mới vào ngành bia, nước giải khát, một ngành sản xuất có thị trường tiêu thụ rộng lớn, lợi nhuận cao, đồng hành với chất lượng cuộc sống xã hội hiện đại.

Thế mà ngày ấy mới, phong thanh Công ty Hương Sen đầu tư thiết bị và công nghệ sản xuất bia hiện đại, đây đó đã râm ran như một chuyện lạ lùng. Nghe ra có vẻ có lý, bởi đây là lĩnh vực rất mới, tỷ suất đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thị trường quyết liệt, vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao… khá xa lạ với một nghệ nhân ngành dệt.

Song tính ông đã quyết là làm. Nghề dệt của cha ông, trong trái tim ông, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, ông không bỏ. Bước vào ngành bia là để đóng góp nhiều cho địa phương, đất nước, thực hiện ước nguyện ông nung nấu từ lâu, đóng thuế thay cho bà con nông dân. Ông Sen hiểu rất rõ, thành bại trong cuộc mở hướng đầu tư sản xuất mới này sẽ quyết định cả sự nghiệp của ông.

Rồi sau những chuyến đi khảo sát kỹ càng ở nhiều nước, cách đây gần 20 năm, năm 1995, ông đã chọn thiết bị tiên tiến hiện đại đồng bộ, khép kín tự động hoá cao của CHLB Đức, với vốn đầu tư ban đầu hơn 100 tỷ đồng cho Nhà máy Bia cao cấp Hương Sen. Đây là nhà máy bia tư nhân đầu tiên hiện đại vào bậc nhất Việt Nam thời kỳ đó.

Vận hành và phát huy hiệu quả nhà máy bia hiện đại là bài toán khó với đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân hầu hết bắt đầu từ sản xuất làng nghề và nông nghiệp. Nhiều giải pháp đã được ông và cộng sự tiến hành đồng bộ, như thuê kỹ sư trưởng người Đức cùng chuyên gia, mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật tại công ty, cử cán bộ đi học các trường đại học…

Tháng 5/1998, những lon bia “của những khát khao” đã trình làng và được khách hàng ưa chuộng. Thật rủi, ngay sau đó, Công ty phải đương đầu với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, ngân hàng vừa siết nợ, vừa không cho vay thêm, nhà máy cận kề bên bờ của sự phá sản.

Có dịp gần gũi ông ở thời điểm ấy, mới thấy chí làm giàu và bản lĩnh doanh nhân trước bão tố. Một mặt, huy động vốn từ các kênh người thân, bạn bè để kiên quyết không đóng cửa nhà máy, một mặt ông lên Hà Nội, trực tiếp báo cáo lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Nghe xong, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng sững sờ vì giữa báo cáo hàng tuần của Chi nhánh Thái Bình và của Công ty có những điểm cách xa, thậm chí mâu thuẫn. Với sự nhạy cảm, vị Chủ tịch quyết định về nghe quan điểm của tỉnh và trực tiếp kiểm tra nhà máy, để rồi đi đến quyết định, không bán nhà máy bia, tiếp tục cho vay vốn, giúp Hương Sen vượt qua thử thách.

Quyết định đó đã giúp Nhà máy Bia Đại Việt bước qua “cửa tử”, rất đúng với đường lối phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, tạo niềm tin cho nhiều doanh nghiệp tư nhân non trẻ, đem lại lợi ích cho công ty, nguồn thu ngân sách cho tỉnh và cho chính Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Đón đầu xu thế hội nhập kinh tế thế giới, 4 năm sau ông tiếp tục mở rộng Nhà máy Bia cao cấp Hương Sen, nâng sản lượng bia hàng năm từ 100 triệu lên 200 triệu lít và 100 triệu lít nước giải khát. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp Công ty vượt qua khó khăn, thách thức của một nhà máy trẻ, tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp tác liên kết, liên doanh với Công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn, phát huy công suất nhà máy, nâng doanh thu và tạo thêm việc làm cho người lao động.  Với niềm tự hào dân tộc sâu nặng, ông suy nghĩ và chọn thương hiệu “Đại Việt” cho sản phẩm bia cao cấp.

Bắt đầu từ một tổ hợp 10 khung dệt ở làng, sau hơn 30 năm đã trở thành Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen với 5 công ty thành viên gồm: Nhà máy Bia cao cấp Đại Việt, Nhà máy Sản xuất rượu, nước tinh khiết và nước ngọt Tam Quang, Công ty Bao bì Hương Sen, Công ty Đông A và Công ty TNHH Long Hưng Hà Nội, với 1.000 lao động trực tiếp, trên 2.000 cán bộ nhân viên thị trường, 500 đại lý và gần 5.000 lao động “vệ tinh”.

Các sản phẩm dệt, bia, rượu, nước giải khát của Hương Sen nhanh chóng chiếm lĩnh 64 tỉnh, thành phố và đăng ký thương hiệu ở 30 nước, đã xuất khẩu sang 10 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Nhật, Đức, Đài Loan. Ông đã thực hiện được ước nguyện là nộp thay thuế cho nông dân. Hàng chục năm qua, Hương Sen là doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất tỉnh Thái Bình: năm 2012 trên 408 tỷ đồng, năm 2013 là 628 tỷ đồng. Công ty còn xây dựng 180 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhận phụng dưỡng 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sĩ cô đơn, tặng sổ tiết kiệm tặng giống, vốn, trâu bò, công cụ sản xuất cho hàng ngàn hộ nghèo, gia đình chính sách… Doanh nhân Trần Văn Sen đã cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Họ trần Việt Nam, Hội chữ Thập đỏ  tổ chức Chương trình Vàng “Khí phách Đại Việt, Hào khí Đông A, Thế giới hòa bình, Gia đình hạnh phúc” để ủng hộ ngư dân, cán bộ chiến sỹ tại Trường Sa, Hoàng Sa trên 20 tỷ đồng, ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan trái phép trên biển Đông.

Tập đoàn Hương Sen được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 6 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 9 năm liền được Bộ Công an tặng Bằng khen và Cờ luân lưu cùng nhiều Cờ, Bằng khen của các bộ, ngành trung ương, của UBND tỉnh Thái Bình; “Đơn vị văn hóa” Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; “Đơn vị có đời sống văn hóa cơ sở” của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịchVHTT-DL. Bia Đại Việt đã có bộ sưu tập 14 huy chương Vàng các hội chợ triển lãm, Giải thưởng “Sao Vàng đất Việt”, thương hiệu mạnh Việt Nam.

Danh gia vọng tộc

Sử sách còn ghi: nghề dệt ở làng Mẹo, nay là Phương La có từ thời nhà Trần và chính thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là người đầu tiên có công khai phá, dựng ấp, dựng làng và dạy nghề cho các cư dân. Từ năm 1937, lô hàng đầu tiên của làng đã được xuất sang  Nhật Bản. Từ đấy, các thương gia Nhật đã để mắt tới làng Mẹo. Người có công  thiết lập quan hệ buôn bán đó là cụ Trần Văn Tuân, bố ông Trần Văn Khiển, thân sinh nghệ nhân Trần Văn Sen.

Nối tiếp truyền thống ông cha, Tập đoàn Hương Sen tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết gia đình danh gia vọng tộc.

Là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, nghệ nhân, Anh hùng Lao động Trần Văn Sen  vẫn tích cực tham gia và đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND tỉnh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Thái Bình, Phó chủ tịch thứ nhất Hội họ Trần Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo tồn văn hóa dân tộc Unesco Việt Nam…

Con rể Đỗ Văn Vẻ hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch HHDN tỉnh Thái Bình. Con trai Trần Văn Trà là Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Thái Bình. Con trai Trần Văn Công là Giám đốc maketing Công ty. Con gái Trần Thị Hoài là Giám đốc Nhà máy Bao bì Hương Sen. Con gái Trần Thị Bích là Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, kiêm Tổng giám đốc Công ty Long Hưng (Hà Nội). Con gái Trần Thị Chi là Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen. Các thế hệ đang nối tiếp nhau dưới bóng đa xum xuê tươi tốt. Từ gốc rễ bền vững, những cành lá đang ngày thêm chắc khỏe vươn cao dưới trời xanh.

(Tổng hợp từ nguồn: hungha.thaibinh.gov.vn, baothaibinh.com.vn, vccinews.vn, baodautu.vn)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- KẾT NỐI-spot_img

BÀI VIẾT MỚI