Trần Thái Tông là ông vua hiền có bản lĩnh, có năng lực làm nhân chủ, có ý thức dân tộc trong việc chỉ huy đánh quân xâm lược phương Bắc và bình giặc ở phương Nam.

Người mở nghiệp đế triều Trần là Hoàng đế Thái Tông. Vua quê ở Tức Mặc – Nam Định, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), húy Cảnh, còn gọi Bồ. Năm lên 8 tuổi Cảnh được chú Trần Thủ Độ tiến cử làm Chi hậu chính Chi ứng cục, cho vào trong cung hầu cận Công chúa Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng là thứ nữ của Huệ Tông nhà Lý, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218) chỉ kém Trần Cảnh 3 tháng, do vậy thấy Cảnh vào hầu thì tỏ vẻ thích thú, có lúc nô đùa như bè bạn, hoặc té nước, ném khăn trầu cho Cảnh…

Thấy vậy, Trần Thủ Độ lập kế cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng. Ngày 12 tháng 12 năm ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Qua sự kiện đó, nhà Trần lấy được ngôi báu và triều đình từ nhà Lý một cách êm thấm.

Trần Cảnh lên ngôi năm 8 tuổi, đổi niên hiệu là Kiến Trung (1225 – 1231) hiệu là Thái Tông, sau đổi Thiên ưng Chính Bình (1232 – 1250), lại đổi Nguyên Phong (1251 – 1258). Quá trình 33 năm làm vua, rồi 19 năm làm Thượng hoàng, Trần Thái Tông đã trải qua nhiều phen sóng gió trong việc tế gia, trị quốc và bình thiên hạ. Lúc đầu còn nhỏ tuổi, Thái Tông phải làm theo sức ép của Trần Thủ Độ và đặc biệt là sự việc giáng Chiêu Thánh làm công chúa với lý do kết hôn với Thái Tông 12 năm chưa có con. Trần Thủ Độ còn ép Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa (là vợ của Trần Liễu; Trần Liễu là anh ruột Trần Thái Tông), rồi lập Thuận Thiên làm hoàng hậu, trong khi đang có mang 3 tháng để cầm chắc có dòng máu họ Trần nối dõi…

Hành động nóng vội trong việc hôn nhân cưỡng ép với động cơ mạo nhận người nối dõi của Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực (mẹ đẻ Thuận Thiên) khiến Trần Liễu căm giận, tập hợp quân đội làm phản. Nhưng Phụng Càn Vương Liễu (tức Trần Liễu) nhanh chóng bị dẹp tan và nếu không được vua Trần Thái Tông che chở thì đã bị Trần Thủ Độ giết chết. Trước những điều trớ trêu khiến Trần Thái Tông chán nản, không muốn ở ngôi vua, đã bỏ lên Yên Tử gặp Quốc sư Phù Vân để tu thiền. Trần Thủ Độ cùng các quan tìm đến Yên tử van xin vua về kinh. Trần Thái Tông ngán ngẩm khước từ: “Trẫm còn trẻ tuổi, chưa cáng đáng nổi việc nặng nề, phụ hoàng đã vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, không dám ở ngôi vua mà làm nhục xã tắc”. Nhưng do thái độ cứng rắn của Trần Thủ Độ và lời khuyên của Quốc sư nên nhà vua phải về kinh sư giữ nhiệm vụ quốc chủ.

Sự tình và cách xử sự của Trần Thái Tông, ông vua ở độ tuổi 20 đã tỏ rõ bản lĩnh của một minh quân. Ông bất bình muốn từ bỏ ngai vàng, sống thanh thản nơi núi rừng với đạo Thiền. Nhưng vì xã tắc tông miếu nên phải chấp nhận những yêu cầu của các bậc cha chú ép buộc. Thực sự, Trần Thái Tông không thèm khát cuộc sống vương giả. Ông miễn cưỡng ở ngôi vua, vì Quốc sư Phù Vân đã giác điều: “Phàm là bậc nhân chủ tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình, nay muôn dân đã muốn đón bệ hạ trở về thì bệ hạ không về sao được?”.

Trần Thái Tông đã bộc lộ tâm trạng qua tác phẩm “Khóa hư lục”[1]. Ông lý giải về sắc thân con người chỉ là “giả tướng”, ai cũng trải qua một thực tế phũ phàng: “Sinh, lão, bệnh, tử”. Cuộc sống lưu đày, nếu không giác tỉnh sẽ mắc tội lỗi. Ông thiên về tu Thiền, lại giáo hóa người đời phải có “vầng sáng trí tuệ”. Và có lẽ bởi các quan điểm trên nên ông đã thực hiện chế độ thái thượng hoàng để được thư tâm nghiên cứu đạo Thiền, tạo một thế hệ “quan gia”, cùng nhiều tướng lĩnh, quý tộc coi nhẹ sự bon chen danh vọng, quyền lợi, tham thiền để được tĩnh tâm…

“Khóa hư lục” là tác phẩm nặng chất thơ. Trên bốn chục bài tụng niệm ông đều viết bằng thơ, thơ ông thật sâu sắc, gợi tả sinh động. Thử ngẫm bài kệ khi ông viết về sự tĩnh lặng (tử) sau sự sống cuồng loạn:

Bãi đãng cuồng phong quát địa sinh

Ngư ông túy lúy điếu chu hoành

Tứ thùy vân hợp âm mai sắc

Nhất phái ba phiên cổ động thanh

Vũ cướp trận thôi phiêu lịch lịch

Lôi xa luân chuyển nó oanh oanh

Tạm thời trần liễm thiên biên tĩnh

Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh.

Dịch thơ:

Đất nổi cuồng phong cát bụi bay

Ông chài say khướt mặc thuyền xoay

Bốn phương mây tụ trời u ám

Một trận sóng trào réo chuyển lay

Sầm sập mưa tuôn dồn dập đến

Ầm ầm xe chạy tít mù quay

Bụi trần tạm lắng khi mời tạnh

Trăng lặn sông dài canh mấy đây?.

Bài thơ không chỉ bình thản bởi lẽ sinh tử, mà còn tế nhị, tĩnh lặng khi nói đến sự chết – cõi vĩnh hằng. Phải chăng, ông là bậc đại giác về “sinh – lão – bệnh – tử” hay ông là người có vầng sáng trí tuệ khác đời.

Trong lĩnh vực thơ văn, Trần Thái Tông có một quyển (ngự tập), đáng tiếc đã bị thất lạc, chỉ còn lưu lại vài bài thơ văn ít ỏi. Nhưng tác giả đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho đời. Sử gia Phan Huy Chú viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: “Lời thơ thanh nhã, đáng đọc…”. Sử gia còn chép lại cả bài thơ: “Ký Thanh – phong am tăng Đức Sơn”

Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình

Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh

Cá trung tư vị vô nhân thức,

Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.

Dịch thơ.

GỬI NHÀ SƯ ĐỨC SƠN Ở AM THANH PHONG

Gió đập cửa tùng trăng chiếu sân

Lòng hẹn (với) phong cảnh cùng mát trong

Thú mùi trong ấy không ai biết

Riêng để nhà sư vui suốt đêm.

Ngoài Khóa hư lục, Trần Thái Tông còn có các tác phẩm:

– Kiến trung thường lệ

– Lục thì sám hối khoa nghị

– Quốc triều thông chế

– Tựa kinh Kim cương

– Tựa Thiền Tông chỉ nam tự

Và một số bài thơ khác…

Qua một vài tình tiết kể trên có thể hiểu con người ông vua nhân hậu, ham thích văn học cũng như đạo Thiền biết dường nào? Còn khi ở ngôi cao thì việc trị quốc, đặt khoa mục, chọn hiền tài, định lễ nghi hình luật thì sao? Đặc biệt đối với việc chống giặc Mông – Thát (quân Mông – Nguyên) hung hãn, ông đã có chính kiến, biểu thị quyết tâm và bình thản chỉ huy chiến trận kể cả lúc nguy cấp như thế nào? Quy tụ tướng lĩnh, quần thần để nhanh chóng giành ngày toàn thắng khiến quân giặc chỉ biết cắm đầu chạy, hoảng hồn khiếp sợ ngậm ngùi cay đắng… Xin được khái quát như sau:

Ngay từ năm 1227, Trần Thái Tông đã cho phục hồi lệ cũ của triều Lý, đó là hội thề ngày 4 tháng 4 tại đền Đồng Cổ để trăm quan đọc lời thề: “Làm tôi hết trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”.

Năm Canh Dần (1230) ban hành thông chế của quốc triều, đồng thời sửa đổi hình luật lễ nghi trong nước. Bộ sách này gồm 20 quyển giúp cho quan lại và thần dân hiểu về quy chế phép nước mà các triều trước chưa làm được.

Triều đình cũng phân định hình phạt đối với tội nhân. Ví như tội vừa thì bắt làm ruộng mỗi người 3 mẫu, hàng năm nộp 300 thăng thóc, thích vào mặt 6 chữ. Lại có hình phạt bắt làm cỏ ở La Thành, thích 4 chữ vào mặt…

Năm Tân Mão (1231) cho đào các kênh Trầm, kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến cõi nam Diễn Châu để thuận tiện cho việc đi lại trên sông, rút ngắn đoạn đường thủy châu Hoan đến châu Ái. Việc giao thông đường bộ cũng được chú ý và để tránh mưa nắng, triều đình còn làm nhiều đình trạm dọc đường cho khách bộ hành nghỉ chân. Các việc làm trên đã thiết thực quan tâm đến dân khiến mọi người dần dần quy thuận.

Để bảo vệ tài sản cũng như ruộng đồng, thành quả sản xuất, Trần Thái Tông ban lệnh đắp đê phòng lụt từ đầu nguồn đến tận bờ biển (1248) gọi là đê Đỉnh Nhĩ (quai vạc). Khi đắp đê nếu ảnh hưởng đến ruộng vườn, nhà cửa của dân thì phải tính giá trị mà bồi thường cho dân. Lại đặt quan Hà đê chánh sứ, phó sứ trong coi việc đê điều. Hàng năm còn phải tu bổ đê, khơi các khe cừ lấy nước cho đồng ruộng đồng thời chống úng lụt. Nhờ việc coi trọng đê điều, trị thủy nên sản xuất nông nghiệp phát triển, kinh tế điền trang thái ấp khấm khá, dân tình có cuộc sống ổn định, giải quyết được nạn đói kém trước đây để lại.

Bộ máy hành chính nhà Trần được tổ chức chặt chẽ. Năm 1242, Trần Thái Tông chia nước làm 12 lộ, đặt quan chức cai trị. Các xã, sách thì tổ chức đại tư xã, tiểu tư xã và đặt các Xã Quan trông nom. Việc làm sổ hộ khẩu để nắm dân số cũng được tiến hành. Con trai lớn gọi là hoàng nam, nhỏ là tiểu hoàng nam. Việc thuế ruộng được quy định: Ai có ruộng thì nộp tô 100 thăng thóc một mẫu bằng tiền hay thóc, không có thì miễn cả. Gặp thời tiết xấu được miễn một nửa tô, ruộng đại hạn thì đại xá cho thiên hạ.

Tầng lớp quý tộc được đặc quyền đặc lợi về quan chức, ruộng đất theo chế độ phong kiến. Còn các quan lại từ trung ương đến địa phương được đào tạo, khảo duyệt một cách thận trọng. Bất kể quan văn hay quan võ, cứ 15 năm một lần khảo duyệt, định 10 năm mới thăng tước một cấp, 15 năm thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết thì cho chức chánh kiêm chức phó. Nếu thiếu cả chánh cả phó thì cho người khác tạm giữ chờ khảo duyệt mới bổ nhiệm. Do sự công minh mà nhà nước vô sự, nhân dân yên vui. Ngay chức Tể tướng chọn trong quý tộc cũng phải đạt tiêu chuẩn tài giỏi thông hiểu nghệ thuật, thi thư và có đạo đức mới bổ nhiệm.

Trần Thái Tông còn đặt chế độ tuyển dụng quan lại bằng thi cử: Năm 1227 mở khoa thi Tam giáo để chọn con em các nhà nho giáo, đạo giáo, thích giáo cho nối nghiệp để việc phụng đạo thờ cúng được đúng luật. Năm năm sau (1232) cho thi thái học sinh chọn đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp. Sau đó cứ 7 năm định lệ mở một khoa thi thái học sinh để chọn người tài cho đất nước.

Mùa xuân năm Đinh Mùi (1247) mở khoa thi thái học sinh lấy đỗ 48 người, lại chọn “tam khôi”, cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa và theo trình độ để cắt đặt quan chức. Sau này Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu đã trở thành các bậc tài danh có ích lợi cho quốc gia. Nguyễn Hiền có biệt tài từ nhỏ, 13 tuổi đỗ trạng làm quan đến Công bộ Thượng thư. Tiếp sứ phương Bắc ứng đáp trôi chảy khiến nhà Nguyên khâm phục, được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên. Lê Văn Hưu trở thành nhà sử gia uyên bác để lại cho đời bộ sách Đại Việt sử ký là một tác phẩm biên niên công phu và có ý thức dân tộc.

Trần Thái Tông còn cho lập Quốc học viện để giảng “tứ thư”, “ngũ kinh”, lập các trường dạy võ để tập luyện cho quân đội cùng các hoàng nam chờ thời lập công giúp nước.

Việc tổ chức các kỳ thi cũng như mở trường dạy võ, lập Quốc học viện chứng tỏ triều Trần Thái Tông rất quan tâm đến việc đào tạo nhân tài, mở mang dân trí để tuyển lựa đội ngũ kế cận giúp cho việc xây dựng đất nước cũng như kháng chiến giữ nước.

Nước Đại Việt thế kỷ XII ở phía nam thường bị giặc phương Nam quấy phá, bắt cóc dân ven biển làm cho mọi người lo lắng, ăn ngủ không yên. Trước tình hình đó vua Trần sai sứ sang Chiêm Thành lấy đức vỗ về, phân biệt phải trái nên người Chiêm chịu nộp cống phẩm. Nhưng đôi khi họ lại gây sự đòi đất đai đem quân cướp bóc.

Đối với nhà Tống phía Bắc, vua Trần vừa tỏ thái độ hòa hảo, vừa sai người sang biên giới đối thoại đòi phải tôn trọng chủ quyền. Nhưng mùa đông tháng 10 năm 1241, người Man phương Bắc sang cướp phá biên giới, vua sai Phạm Kính Ân đem quân đánh dẹp, tiến sang tận sào huyệt người Man khiến chúng phải sợ hãi.

Vua Trần Thái Tông còn thân cầm quân đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nhà Tống. Lại tràn qua châu Khâm, châu Liêm, khiến người Tống hoang mang. Và đây cũng là thái độ kiên quyết, hành động táo bạo như Lý Thường Kiệt đánh phá tuyến phòng ngự nhà Tống dưới vương triều Lý xưa.

Tháng 4 năm Nhâm Dần (1242), vua còn sai tướng Trần Khuê Kình đánh chiếm phương lộ Bằng Tường (thuộc Quảng Tây) tạo đường thông thương với nhà Tống để không còn trắc trở như trước (Đại Việt sử ký toàn thư quyển 5, kỷ nhà Trần). Và trước tình hình đế quốc Mông Cổ bành trướng, đánh chiếm nhiều nước trên thế giới, Trần Thái Tông đoán biết ý đồ thôn tính phương Nam của địch nên năm Bính Ngọ (1246) ban chiếu tổ chức lại quân đội, chọn người khỏe mạnh vào các đội quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Những đội quân này thuộc 4 vệ trong quân Thiên Thuộc, Thánh Dục và Thần Sách. Người các đội quân trên cũng được chọn theo địa dư tạo tình cảm quê hương từ đó mà quyết tâm làm nhiệm vụ. Người các lộ Thiên Trường, Long Hưng là quê hương nhà Trần thì xung vào đội quân Thiên Thuộc, Thiên Chương, Chương Thánh, Củng Thần làm nhiệm vụ bảo vệ bên trong. Người 2 lộ Hồng Châu và Khoái Châu làm quân tả hữu Thánh Dục. Người các lộ Trường Yên, Kiến Xương làm quân Thánh Đức, Thần Sách…

Tháng 8 năm Đinh Tỵ (1257), biết tin quân Mông Cổ chuẩn bị đánh nước ta, vua sai Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân tả hữu lên biên giới ngăn chặn. Và khi sứ giả Mông – Nguyên sang đe dọa, dụ hàng, vua đã ra lệnh tống giam sứ giả, thể hiện ý chí kiên quyết kháng chiến tự vệ của Đại Việt.

Bản đồ chiến trận cuộc xâm lăng lần thứ nhất (1258) của quân Nguyên – Mông và chiến thắng của quân dân Đại Việt

Đầu năm 1258, ba vạn quân xâm lược chia làm 2 cánh tiến đánh nước ta và hội quân tại Bạch Hạc (Phú Thọ). Theo sử cũ thì tướng giặc là Ngột Lương Hợp Đài chiếm đóng Bình Lê Nguyên (huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc), vua phải thân chinh làm tướng mở trận địa phía nam sông để cản bước tiến của giặc.

Tướng giặc là Triệt Triệt Đô cùng A Truất cho quân vượt sông, đột nhiên đánh úp vào trận địa quân Trần. Do bị bất ngờ nên quân Trần tan vỡ. Lúc nguy cấp này chỉ còn có Lê Tần xông pha trước trận vừa đánh địch vừa bảo vệ Trần Thái Tông, tỏ rõ khí phách anh hùng, ông còn bàn kế rút lui bảo toàn lực lượng…

Giữa lúc gian nguy, một số tông thất nhà Trần hoang mang, có người tỏ ý chạy sang nước Tống. Một số đội quân hoảng loạn tìm đường chạy trốn… Nhưng khi Trần Thái Tông hỏi Trần Thủ Độ thì Thái sư Thủ Độ khảng khái trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo” do vậy vua Trần thêm vững tâm chiến đấu, ban lệnh cho dân làm kế “thanh dã” (vườn không nhà trống) để quân giặc không thể có lương thực chi dùng, đồng thời rút quân về mạn Thiên Trường – Nam Định và Long Hưng – Thái Bình chờ thời phản công.

Giặc Mông – Thát chiếm được Thăng Long nhưng không có lương ăn. Đem quân đi cướp xung quanh để lấy thóc gạo thì bị hương binh chặn đánh nên chúng rất hoang mang. Đêm đêm, nhà Trần còn cho quân tấn công khiến chúng mất ăn mất ngủ…

Lợi dụng tình hình địch hoang mang lo sợ, ngày 24 tháng 12, Trần Thái Tông cùng Thái tử đích thân xuống tàu thuyền chỉ huy đại quân phản công địch ở bến Đông Bộ Đầu (Thăng Long – Hà Nội) và chỉ một trận quyết chiến khiến quân Mông – Thát phải kinh hoàng bỏ chạy. Địch rời bỏ Thăng Long chạy đến trại Quy Hóa (vùng Yên Bái) lại bị trại chủ Hà Bổng đem người Man đánh úp khiến chúng chỉ biết cắm đầu chạy tháo thân, không dám đối địch nên dân gian thời đó gọi là “giặc Phật”.

Như vậy là sau 9 ngày Thăng Long thất thủ, Thái Tông hoàng đế lại về cung điện xưa và ngày 1 tháng giêng cho họp trăm quan định công phong tước. Đặc biệt, Trần Thái Tông nghĩ đến công lao của Lê Tần, một mình xông pha trước trận vừa bảo vệ vua nên được đổi tên là Lê Phụ Trần cho làm Ngự sử đại phu, lại đem gả công chúa Chiêu Thánh cho ông. Vua Thái Tông còn nói: “Trẫm không có khanh thì làm gì có ngày nay, khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này”.

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Thát, một đội quân hùng mạnh nhất thế giới kết thúc nhanh chóng, quân giặc chiếm Thăng Long vẻn vẹn 9 ngày, hoảng loạn bỏ chạy chứng tỏ ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân thời Trần dưới sự trực tiếp chỉ huy của Trần Thái Tông rất kiên cường. Tuy vậy đây cũng là trận đầu còn ngỡ ngàng lúng túng, có nhiều sai lầm trong chiến thuật. Việc nhà Trần đánh thắng quân Mông – Thát là do vận nước, hay do ý thức tự cường dân tộc nên đã khéo kết hợp giữa quân đội chính quy và dân binh, vừa đánh quy mô, vừa áp dụng chiến tranh du kích. Đặc biệt là toàn dân làm kế “thanh dã” đánh địch bằng cả gậy gộc thô sơ buộc chúng phải nằm co chịu đói, tạo thời cơ cho đại quân nhà Trần phản công. Và biết đâu còn do cả đức sáng của Trần Thái Tông khiến trăm họ một lòng trung quân nên đã xả thân vì nước?

Chiến thắng năm 1258 với một đối thủ mà thế giới khiếp sợ đã là bài học cho quân dân Đại Việt để những trận sau dù quy mô ác liệt gấp trăm lần, nhưng vẫn vững tâm xốc tới, đập tan kẻ thù hung bạo, bảo vệ chủ quyền đất nước.

 Tượng vua Trần Thái Tông tại đền Trần (tỉnh Nam Định)

Sau chiến thắng, vua Trần Thái Tông truyền ngôi cho con là thái tử Hoảng (tức Trần Thái Tông hoàng đế), lui về ở bắc cung làm Thái thượng hoàng vào ngày 24 tháng 2 cùng năm. Như vậy, Trần Thái Tông làm vua năm 8 tuổi, trị vì 33 năm và năm 41 tuổi làm Thái thượng hoàng. Thời gian tại vị cũng như lúc làm Thái thượng hoàng, Trần Thái Tông luôn tỏ là người ham học hỏi, nghiên cứu đạo Thiền, viết sách làm thơ, bồi dưỡng đạo đức, kiến thức để xứng với vị thế quốc chủ. Trần Thái Tông còn quan tâm đến đạo Phật, xuống chiếu cho dân tô tượng Phật để thờ và cho đúc chuông chùa ở các danh lam nổi tiếng.

Đối với quê hương Tức Mặc, Trần Thái Tông đã về làm lễ ở tiên miếu, ban yến tiệc, thưởng lụa theo thứ bậc cho dân. Ông còn sai quan nhập nội thái phó Phùng Tá Chu về xây dựng hành cung vào năm 1239 để các vua sau này có chỗ về thăm quê. Thượng hoàng Trần Thái Tông còn vào Vũ Lâm – Ninh Bình lập am tu Thiền, giúp dân mở mang đồng ruộng xã ấp khiến mọi người kính phục.

Trần Thái Tông là ông vua hiền có bản lĩnh, có năng lực làm nhân chủ, có ý thức dân tộc trong việc chỉ huy đánh quân xâm lược phương Bắc và bình giặc Chiêm ở phương Nam. Việc trị quốc thì định hình luật, mở khoa thi chọn hiển tài, khoan thư sức dân, chú ý đời sống vật chất cũng như tinh thần cho dân. Có thể nói Thái Tông hoàng đế là người mở đầu đế triều Trần, tạo tiền đề tốt đẹp cho nghiệp đế, cũng như làm cho nước Đại Việt thêm rạng rỡ.

Ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) Thượng hoàng Trần Thái Tông băng ở cung Vạn Thọ hưởng thọ 60 tuổi. Và mùa đông tháng 10 ngày mồng 4, táng tại Chiêu Lăng (nay là Tam Đường – Hưng Hà – Thái Bình), miếu hiệu là Thái Tông, thụy là Thống thiên ngư cực, Long công mậu đức hiển hòa hựu thuận thần văn thánh võ nguyên hiếu Hoàng đế.

Khi ông mất quần thần thương tiếc, con gái thứ của ông là công chúa Thiều Dương nghe tiếng chuông đánh liên hồi, đoán biết sự việc đã khóc đến nỗi mắt mờ đi rồi chết (Thiều Dương tên là Thúy lấy Thượng vị Văn hưng hầu lúc đó đương ở cữ).

Các con trai của ông như Thánh Tông Trần Hoảng, Chiêu minh vương Quang Khải, Chiêu văn vương Nhật Dưới là những bậc đế vương, tướng tài trụ cột triều đình. Ngoài ra, ông còn có các con là Trần Nhật Vinh, Trần Ích Tắc, Trần Quốc Khang (con của Trần Liễu). Các con gái là Thụy Bảo công chúa, Thiều Dương công chúa, đặc biệt An Tư công chúa là người có hiếu nghĩa đã vâng mệnh vua chịu cống nạp cho Thoát Hoan để làm dịu tình hình, bớt tai vạ cho đất nước.

Sau này, vua Trần Dụ Tông đã làm thơ ca ngợi vua Trần Thái Tông, so sánh đức độ của Trần Thái Tông (Đại Việt) với Đường Thái Tông (Trung Quốc) trong việc xử sự, đối nhân xử thế.

Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông

Bỉ xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong

Kiến thành tru tử Yên Sinh tại

Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.

Dịch thơ:

Sáng nghiệp Việt – Đường hai Thái Tông

Đường là Trinh Quán Việt Nguyên phong

Kiến Thành bị giết, Yên Sinh sống

Miếu hiệu như nhau đức chẳng đồng.

(Đào Phương Bính dịch)


[1] Một số tác phẩm được cho là thuộc cuốn “Khóa hư lục” của Trần Nhân Tông. Nhưng phần lớn tư liệu Hán Nôm ghi là của Trần Thái Tông

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn – Ấn tượng dân gian”.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018